Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

BBC: Phạm Anh Đào 46t 'Tôi bị 5 gã bạo hành trong trại Ả Rập Saudi'
#1
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45397275


'Tôi bị năm gã bạo hành trong trại Ả Rập Saudi'

Minh Thư bbcvietnamese.com
  • 5 tháng 9 2018

[Image: _103303230_gettyimages-887935016.jpg]
 Quang cảnh thủ đô Riyadh, Ả Rập Saudi. 

BBC tiếp tục kể phần hai câu chuyện của chị Phạm Anh Đào, 46 tuổi, từ tỉnh Hòa Bình, người kết thúc sớm hợp đồng lao động để về Việt Nam sau bảy tháng trời bị bỏ đói, ngược đãi và bạo hành ở Ả Rập Saudi.

Con đường đưa tôi vào trại tỵ nạn

Đến ngày 8/12/2017, tôi được đưa đến làm cho nhà chủ thứ ba ở thành phố Tabuk. Đến chủ thứ ba này, tâm trạng của tôi rất lo lắng. Tôi lo sợ rằng các nhà chủ Ả Rập nay có thể tốt với tôi, nhưng mai họ trở mặt như trở bàn tay. Và nếu tôi bị trả về văn phòng môi giới ở Riyadh, tôi sẽ lại bị Thằng Lùn đánh còn đau hơn lần trước.

Quote:'Tôi bị Thằng Lùn đánh ở Ả Rập Saudi'
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45258822

Lo lắng của tôi quả là không sai. Một hôm bà chủ nhà sai tôi lên phòng tìm bình sữa của con bà để rửa. Vì tôi chưa từng vào phòng ông bà chủ, loay hoay một lúc tôi mới tìm thấy bình sữa.

Tôi cầm cái chai xuống bếp, không nhìn thấy bà chủ đang đứng ở sau cửa. Bất ngờ, bà đẩy tôi thật mạnh từ phía sau khiến tôi ngã chúi xuống, tý nữa thì dúi xuống nền nhà. Vừa ngạc nhiên, vừa giận dữ, tôi không kìm được cơn nóng giận. Tôi chỉ tay mắng lại bà (bằng tiếng Việt) và suýt nữa thì lao vào đánh bà.

Sau trận đó, bà chủ đối xử với tôi tốt hơn và quan tâm đến tôi nhiều hơn, nhưng nói thật là đến lúc này, tôi chán chường và tuyệt vọng, chẳng còn tư tưởng muốn làm việc nữa.

Tôi chỉ muốn thoát khỏi văn phòng môi giới Ả Rập với Thằng Lùn khốn nạn, thoát khỏi đất nước Ả Rập đầy cạm bẫy và trở về Việt Nam.

[Image: _103303224_vietnam_maid_abuse_map640_v2_...ese-nc.png]

Sau hơn một tháng làm việc, tôi quyết định xin nghỉ việc ở nhà chủ thứ ba để tìm đường về Việt Nam.

Tới khoảng 5 giờ chiều ngày 19/1/2018, tôi được đưa lên xe để trả về văn phòng môi giới Riyadh.

Đi tới 3 giờ sáng hôm sau, xe dừng ở bến xe thành phố Hail chừng 30 phút để lấy thêm hàng. Lúc đó, tôi nảy ra ý định gọi điện cho chị M của văn phòng đại diện của Công ty Thăng Long ở Riyadh để cầu cứu. Chị M nói tôi đừng đi đâu mà nên ngồi trong nhà chờ ở bến xe cho đến khi trời sáng, rồi lên taxi bảo họ gọi điện cho chị. Chị M sẽ chỉ đường cho họ đưa tôi đến văn phòng đại diện.

Tới 6 giờ sáng, tôi lên taxi và nhờ anh tài xế gọi cho chị M. Từ đó tới 7 giờ 30, sau mấy chục cuộc gọi và nhắn tin, chị M vẫn không trả lời. Sau một hồi đi lòng vòng, taxi lại đưa tôi trở về bến xe.

Bến xe báo cảnh sát, và cảnh sát bắt tôi đưa vào một trại tỵ nạn ở Hail, cách thủ đô Riyadh gần 700 km.


[url=https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45339551][/url]
[Image: _103303226_maidabuse_illustration_scene_3.png]
 'Thấy tôi không hợp tác, họ cầm một ống nước cao su màu xanh dài khoảng 80 cm và đánh tôi tím hết một nửa người'. 

Cơn ác mộng trong trại tỵ nạn

Khoảng 8 giờ tối ngày 20/1, tôi tới trại tỵ nạn ở Hail. Chừng 9 giờ tối, có năm người đàn ông Ả Rập xuất hiện và gọi tôi vào nhà vệ sinh.

Họ bảo tôi cởi hết đồ ra. Chẳng có lý do gì tôi phải cởi đồ cả, và tôi không chấp nhận cởi.

Thấy tôi không hợp tác, họ cầm một ống nước cao su màu xanh dài khoảng 80 cm và đánh tôi tím hết một nửa người.

Đánh xong, họ còn dùng giày da dẫm lên 10 đầu ngón chân tôi. Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ - họ có thể đánh chết tôi nhưng dứt khoát tôi sẽ không cởi đồ.
Cuối cùng sau một hồi, họ cũng dừng lại và đưa tôi về một phòng trong trại tỵ nạn.

Tôi đang nằm bê bệt trong phòng thì có một chị người Ma Rốc bước vào. Tôi được biết chị cũng đang chờ để về nước. Thấy tôi bị đánh đau, chị nhờ những người nấu ăn ở trại, những người hay đi ra ngoài mua đồ ăn, mua cho tôi hai hộp sữa tươi. Ngày hôm sau chị được về nước nhưng tôi luôn biết ơn chị vì đã chăm sóc cho tôi lúc hoạn nạn.


Bản quyền hình ảnh Pham Thi Anh Dao 

[Image: _103303620_banarpchiaove.jpg]

 Bản đồ chị Đào vẽ khi ở văn phòng môi giới Riyadh chờ về Việt Nam.  Bản quyền hình ảnh HASSAN AMMAR/Getty Images 


[Image: _103303612_gettyimages-108877884.jpg]
 Quang cảnh thành phố Hail về đêm chụp từ trên cao.

Chẳng khác nào ở tù trước khi về VN

Tới ngày 22/1, cảnh sát tới trại tới đón tôi và thả tôi về bến xe ở Riyadh. Tôi bơ vơ một mình, tiếng Ả Rập thì chưa nói được mấy. Tôi vội tìm một chiếc taxi và nói họ đưa tôi đến sứ quán Việt Nam.

Chờ tới giờ sứ quán mở cửa, tôi vào làm việc với người phụ trách phòng lao động. Vừa nói được vài câu, tôi đã thấy thằng lái xe của Thằng Lùn xuất hiện để đón tôi về văn phòng môi giới Riyadh. Vừa nói vừa ra hiệu, tôi bảo thằng tài xế này "ông chủ mày đã đánh tao rồi, tao không muốn về văn phòng môi giới nữa đâu."

Gã này không nói gì, chỉ nhìn tôi và cười. Gã kiên trì chờ tôi suốt từ sáng tới trưa. Rồi phiên dịch H.T gọi đễn dỗ dành: "Chị ơi chị cứ về văn phòng môi giới đi, em sẽ nói với ông chủ em không đánh chị nữa."

Nhiều người khác cũng gọi đến thuyết phục tôi, trong đó có cả chủ của Công ty Môi giới Bảo Sơn từ Việt Nam, công ty mà đến lúc đó tôi ngã ngửa ra rằng tôi đã được chuyển giao.

Cuối cùng tôi đành đồng ý quay trở về văn phòng môi giới Riyadh, nơi có Thằng Lùn và Thằng Cao (cũng là chủ văn phòng) hung bạo, để chờ ngày được về nước.


[Image: _103303228_maidabuse_illustration_scene_4-nc.png]
'Nhóm chúng tôi có 11 người. Họ khóa cửa phòng 24/24 không cho đi đâu hết.'

Thời gian ở đó chẳng khác nào ở tù. Nhóm chị em Việt chúng tôi có khoảng 11 người tất cả, người thì chờ đổi chủ, người thì chờ về Việt Nam.

Họ khóa cửa phòng chúng tôi gần như 24/24, không cho chúng tôi đi đâu hết. Mỗi ngày, họ chỉ cho chúng tôi có hai bát gạo, một quả cà chua và một củ hành tây để tự nấu ăn.

Có lần, ba ngày trời họ chẳng mang cho chúng tôi một chút gạo nào. Mấy chị em đói quá, nằm dài la liệt trong phòng.

Nếu có ai ốm đau thì họ bảo là giả vờ và không cho thuốc men.

Mỗi khi Thằng Lùn hay Thằng Cao vào phòng chúng tôi, ai cũng run. Chúng tôi ngồi im như tượng vì sợ chúng nó sẽ đánh một ai đó.

Trong thời gian này, tôi được gọi điện về cho gia đình. Tôi xin họ giúp đỡ nộp tiền bồi thường và tiền vé máy bay để tôi được về nước.

Tới ngày 8/4/2018, tôi được báo ngay hôm sau tôi sẽ bay. Vậy là cuối cùng tôi cũng được thoát khỏi đất nước ma quái này, tôi mừng không tả xiết.

Giờ đây nghĩ lại, tôi vô cùng ân hận vì đã bất chấp lời gàn của bạn bè, gia đình, đã ăn phải bùa mê thuốc lú của gã môi giới mà đi sang Ả Rập lao động.

Mấy tháng sau khi về nước, hồn vía tôi vẫn như bay bổng trên mây xanh. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi những chuỗi ngày kinh hãi ở đó.

Khi ra đi, tôi từng hy vọng sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá để nuôi con. Khi về nước, tôi tay trắng và chỉ có những vết thương và nỗi ám ảnh làm hành trang.
Reply
#2
https://www.aljazeera.com/indepth/featur...29939.html



22/9/2018, 12:27 (GMT+7)

Lao động Việt tố bị bóc lột, bỏ đói ở Arab Saudi

Phạm Thị Đào cho hay chị làm việc từ 5h sáng hôm nay đến 1h sáng hôm sau và chỉ được gia chủ Arab Saudi cho ăn một lần trong ngày. 

[Image: domestic-workers-saudi-arabia-6310-6879-1537593179.png]
Nhóm người giúp việc đi bên ngoài một trung tâm thương mại ở Riyadh, Arab Saudi. Ảnh: AFP

Chị Đào, 46 tuổi, quê ở Hòa Bình, từng sang Arab Saudi làm giúp việc hơn 7 tháng trước khi trở về Việt Nam hồi tháng 4. Chị hiện sống trong một ngôi nhà bỏ hoang cùng con gái 7 tuổi.

"Tôi làm việc từ 5h sáng đến 1h sáng hôm sau và chỉ được phép ăn một lần vào 13h", chị kể về những ngày tháng cơ cực ở thành phố cảng Yanbu. "Ngày nào cũng thế, một lát thịt cừu và một đĩa cơm. Sau gần hai tháng, tôi như hóa điên".

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, hiện có 20.000 lao động Việt đang làm việc tại Arab Saudi, với gần 7.000 người giúp việc cho các gia đình. 

Arab Saudi là một trong những nước nhập khẩu người giúp việc lớn nhất thế giới. Năm 2014, Arab Saudi và Việt Nam đã ký thỏa thuận lao động 5 năm, mở đường cho nhiều công dân Việt sang làm việc tại quốc gia vùng Vịnh. Số lao động Việt Nam tương đối nhỏ so với Philippines, Indonesia và Sri Lanka nhưng nhiều người cho hay họ bị các gia đình Arab Saudi ngược đãi, với điều kiện sống và làm việc không khác gì nô lệ.

"Chúng tôi không dám đòi hỏi nhiều, chỉ cần không bị bỏ đói, không bị đánh đập và được ăn ba bữa một ngày. Nếu được như thế, chúng tôi sẽ không cầu cứu", chị Đào nói.

Trịnh Thị Linh, ở tỉnh Hà Nam, đang giúp việc cho một gia đình ở Riyadh. Trước đó, cô gái 30 tuổi chưa bao giờ rời khỏi Việt Nam và không biết gì nhiều về Arab Saudi.

Khi đến quốc gia này, Linh gặp nhiều phụ nữ Việt khác, trẻ nhất 28 tuổi, già nhất 47 tuổi. Hầu hết họ xuất thân là nông dân ở các vùng nông thôn nghèo, một số người là dân tộc thiểu số. 

Linh cho hay mình được hứa hẹn mức lương 388 USD một tháng mà không cần trả thêm khoản phí nào. Tuy nhiên, ngay khi đến sân bay Riyadh, cô bị nhốt vào một căn phòng cùng hơn 100 người khác, bị nhân viên tuyển dụng lao động Arab Saudi tịch thu hộ chiếu và hợp đồng lao động.

Linh phải làm việc 18 tiếng liền và chỉ được ăn mỗi ngày một bữa. Khi định chuyển tới một gia đình khác, cô bị công ty môi giới việc làm đe dọa. "Chủ nhà nói ông ta đã trả khoảng 6.100 USD để đưa tôi về đây vì thế ông ấy muốn tôi ở lại nhưng tôi không thể sống nổi ở đó", Linh kể. 

Linh đã tuyệt thực 3 ngày và cuối cùng được gia chủ trả lại cho công ty tuyển dụng của Arab Saudi. Tuy nhiên, gia đình thứ hai mà cô làm việc còn tồi tệ hơn. Cô bị một phụ nữ trong nhà tịch thu điện thoại, hành lý, ném thức ăn thừa. 

"Sau ba tháng, tôi sụt từ 74 kg xuống 53 kg. Tôi tuyệt vọng, hoảng loạn, thường xuyên mất ngủ và điều duy nhất tôi có thể làm là khóc", cô kể.

[Image: t1larg-indo-domestic-4477-1537593692.png]
Người giúp việc Indonesia tại một trung tâm đào tạo ở Jakarta trước khi sang Arab Saudi làm việc. Ảnh: AFP

Các lao động Việt Nam thường được một công ty môi giới trong nước tuyển dụng và chuẩn bị về ngôn ngữ lẫn nghiệp vụ trước khi cung cấp cho các công ty tuyển dụng của Arab Saudi.

Các lao động từ nước ngoài đến Arab Saudi theo diện bảo trợ nên không được phép thay đổi công việc hay rời khỏi nước này mà không được người bảo trợ chấp thuận. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait, Qatar và Lebanon cũng quy định thị thực của người lao động do các nhà tuyển dụng quản lý, khiến họ bị phụ thuộc vào các gia chủ.

Ở những nước này, lao động bỏ trốn sẽ bị xử phạt và trục xuất. Nếu không chứng minh được mình bị lạm dụng, họ phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để đền bù hợp đồng và mua vé máy bay về Việt Nam. Chi phí mà họ phải gánh khi bỏ việc dao động từ 2.500 đến 3.500 USD.

Ông Bùi Văn Sang, ở Tây Ninh, kể rằng vợ ông là bà Tuyết cũng đang bị đánh đập và bỏ đói ở Riyadh. Công ty môi giới Việt Nam yêu cầu ông chi gần 2.200 USD để đưa bà về nước nhưng sau đó lại đòi gấp đôi. Ông đã ra Hà Nội gặp công ty môi giới để xin họ giúp đỡ nhưng bị từ chối.

Bộ Lao động Arab Saudi không phản hồi khi được liên lạc. Đại sứ quán Arab Saudi tại Hà Nội cho biết không thể bình luận.

Những năm qua, giới chức Arab Saudi đã đề xuất chỉnh sửa luật lao động nhưng các nhóm nhân quyền cho hay không hiệu quả. 

Linh cho biết cô đã liên lạc với công ty môi giới lao động ở Việt Nam nhưng được trả lời rằng hợp đồng của cô chỉ có giá trị ở Việt Nam. "Bây giờ tôi chỉ muốn rời khỏi đây. Nếu tôi đến cảnh sát trình báo, ít nhất họ sẽ đưa tôi đến trại giam, tôi sẽ bị trục xuất và được phép rời khỏi đây", cô nói.

Linh gần đây đăng tải video trực tuyến kể lại việc cô và nhiều người giúp việc Việt Nam khác bị ngược đãi ở Arab Saudi và thu hút hơn 100.000 lượt xem. "Nhiều phụ nữ tôi biết ở đây cũng muốn như thế, họ chỉ muốn ra đi. Nhưng họ lo sợ, bị đe dọa và không dám lên tiếng", Linh nói.

Anh Ngọc (theo Al Jazeera)
Reply