Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Ngộp thở trong những... “tổ ong” Hà Nội
#1
  • Ngộp thở trong những... “tổ ong” Hà Nội
26/04/18 06:50 GMT+7


Gần 30.000 dân - gấp rưỡi số người trên một sân vận động - dồn cả vào 12 tòa nhà của tổ hợp chung cư HH, hay còn gọi là “Chung cư ông Thản” tại bán đảo Linh Đàm, Hà Nội. Với mật độ “kinh khủng”, dự tính 4 người/m2, nơi đây trở thành khu “chật chội” nhất Hà Nội.

Những căn chung cư HH được bán với giá khá phù hợp khiến nhiều người tìm mua. Thế nhưng cuộc sống ở đây lại không hề thanh thản bởi nỗi lo tắc đường, cháy nổ, an ninh trật tự thường trực hằng ngày.

Ác mộng thang máy

Cách đây hơn chục năm, một căn chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội) từng là mơ ước của biết bao gia đình trẻ có mức thu nhập thấp và trung bình mưu sinh ở Thủ đô. Nhưng giờ đây, những gì người ta nhắc tới Linh Đàm chỉ là nỗi thất vọng về một khu đô thị chật chội, bức bối, xuống cấp và chất lượng cuộc sống không được đảm bảo.

Có ở Linh Đàm và sống tại tòa nhà HH chung cư Đại Thanh mới chứng kiến được sự đông đúc, nhộn nhịp như thế nào: Diện tích khá khiêm tốn nhưng là điểm tọa lạc của 12 tòa nhà cao lớn HH1A, HH1B, HH1C, HH2A, HH2B, HH2C, HH3A, HH3B, HH3C, HH4A, HH4B, HH4C. Lọt thỏm giữa 12 tòa nhà này vẻn vẹn một không gian khá hẹp. Những khối cao ốc được dựng lên quây lại như những “tổ ong” giữa lòng thành phố. Mật độ dân số quá đông khiến khu vực này trở thành một trong những nỗi ngao ngán với nhiều người vì tắc nghẽn giao thông ở những con đường bên cạnh.

[Image: 1-1_Fmt.jpg]
Cảnh người dân chen chúc vào thang máy.


Vào các buổi chiều hằng ngày hay cuối tuần, không gian chung chật hẹp, nhỏ bé đó không đủ để cư dân từ người già, trẻ con có thể được vui chơi, sinh hoạt. Thậm chí, vào buổi chiều nếu người nào đó xuống sân muộn còn chẳng có ghế mà ngồi, sân mà chơi. Số lượng cây xanh thì có lẽ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một cư dân ở đây nói vui với chúng tôi rằng “mỗi chiều hằng ngày dân đổ xuống sân đông như kiến”.

Anh Bùi Quang Đông (đang sống tại tòa HH4C Linh Đàm) chia sẻ, trước đây ở quê mong muốn ra Hà Nội mua được một căn chung cư để sinh sống. Thời điểm biết đến “chung cư ông Thản”, anh Đông đã vay tiền để mua. Tưởng chừng khi dọn về đây ở sẽ thay đổi nhưng điều đó không đến. Anh Đông và nhiều người đã vỡ mộng bởi từ không gian sống, chất lượng dịch vụ cho đến cả những yếu tố cốt lõi đảm bảo tính mạng con người cũng dường như bị lãng quên… - điều anh Đông không hài lòng nhất.

Chuyển về sống từ khu chung cư HH được hơn 1 năm nay, anh thừa nhận, tình trạng chờ thang máy vào giờ cao điểm gần nửa giờ đồng hồ là có thật. Từng dòng người chen chúc, mệt mỏi vì chờ đợi, đã từng có trường hợp muộn giờ làm vì phải đợi thang máy quá lâu.

Theo lời anh Đông, bình thường, vào khung giờ cao điểm là 7h đến 7h30’ sáng mỗi ngày là thời điểm các gia đình đồng loạt ùa vào thang máy để bắt đầu những công việc ngày mới. Người thì đưa con đi học, đến cơ quan, đi gặp khách hàng… Vì vậy thang máy xảy ra tình trạng ùn ứ hoặc tắc nghẽn.

Với buổi sáng là vậy, còn riêng buổi chiều là khoảng thời gian từ 17h30’ đến 18h30’, nhiều gia đình phải đợi từ 15-20 phút mới có thể bắt thang máy từ tầng 1 lên đến tầng 30 hay 40. Để đối phó với tình trạng này, anh Đông phải nghĩ ra nhiều phương án khác nhau, như dịch chuyển giờ làm, giờ về nhà.


[Image: 1-2_Opt.jpg?w=888&h=592&crop=auto&scale=both]

Không phải ai cũng được linh động thời gian như anh Đông, hầu hết những người dân sinh sống tại đây vẫn phải ra khỏi nhà, về nhà đúng thời gian cao điểm nên ai cũng phải kiên nhẫn chờ đợi thang máy.

“Nhiều khi vượt qua chặng đường tắc kinh khủng, bò về đến nhà lại phải phát cáu vì chờ thang máy. Có khi thời gian để đi từ dưới lên nhà ở tầng nhà mình còn dài hơn từ cơ quan chạy về, mệt lắm” - chị Lê Huyền Trang, cư dân sống tại tòa HH1C bức xúc.

Đang bế cháu trên tay, với gương mặt khá mệt mỏi vì đợi thang máy, bà Nguyễn Thị Thuận (quê ở Thạch Liên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ rằng cảnh đợi thang máy lâu như vậy vào giờ cao điểm không phải hiếm mà là thường xuyên.

“Có bao giờ dám đi thang máy lúc sáng sớm và chiều tối đâu, nếu có việc thì thà nán lại khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau rồi lên/xuống còn hơn phải đợi chờ, chen chúc để di chuyển thang máy. Do tuổi cao nên khi đông đúc như thế tôi cũng không thể chịu được mà bị say và choáng nữa”.

Cùng nằm trong danh sách những khu “chung cư ông Thản”, chung những nỗi khổ như các khu khác, người dân KĐT Kim Văn - Kim Lũ còn phải chịu nhiều cảnh khổ ngoài sự tưởng tượng nhiều người. Mật độ dân cư đông đến ngạt thở. Không chỉ phải chịu cảnh tắc đường, ngột ngạt ở ngoài mà cư dân ở đây thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường ngay bên trong tòa nhà khi thang máy liên tục bị quá tải.

Chị Nguyễn Thị Hà (sống ở tầng 43) cho hay, ở đây xếp hàng chờ thang máy chẳng khác gì xếp hàng chờ mua thức ăn và lấy thức ăn thời bao cấp, nghĩ cũng… vui. Chị Hà nói thêm, thỉnh thoảng do chờ thang máy lâu nên con chị đã chậm học, việc này là bình thường. Đến lớp cô giáo hỏi sao đến muộn, chị Hà vẫn thường nói vui với cô là tắc đường ở trong chung cư, cô giáo lại bật cười.

[Image: 7-4_Opt.jpg]

Cảnh người dân chờ thang máy tại khu chung cư HH Linh Đàm.
[Image: 7-7_Opt.jpg]
Khu chung cư HH Linh Đàm có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Ảnh: PV - HẢI NGUYỄN


Và những nỗi lo khác

Theo khảo sát, những chung cư khác trên địa bàn Hà Nội tình trạng chờ thang máy là có nhưng không phải chờ thời gian lâu như tại tổ hợp HH. Nhiều người ví ở tổ hợp này như ở trong một thành phố thu nhỏ. Một phép tính đơn giản chúng ta có thể thấy được lượng người dân sống tại đây đông khủng khiếp thế nào.

Chỉ cần 3 nhân khẩu/căn hộ thì 12 tòa chung cư HH có chiều cao từ 35-41 tầng cùng khoảng 20 căn/sàn này sẽ có gần 30.000 người. Với mật độ xây dựng chệch các loại chuẩn này, mỗi mét vuông đất ở đây sẽ gánh 4 người.

Hay tại khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ, với diện tích đất khá eo hẹp, 4 khối nhà gồm CT11, CT12A, CT12B, CT12C. Riêng tòa CT11 cao 40 tầng, còn lại mỗi tòa cao 45 tầng, mỗi tầng có đến 24 căn hộ. Nếu trung bình mỗi nhà có 3 người thì một tòa tương đương với 3.000 người. Trong khi đó, một tòa chỉ có 7 thang máy.

Ngoài ra, với số lượng căn nhiều như vậy nhưng chỉ duy nhất có một hầm gửi xe. Nếu làm một phép tính nhẩm: Trung bình, mỗi tòa có 1.070 căn hộ, mỗi căn hộ có 2 xe máy; thì chỉ tính riêng hầm gửi xe của 3 tòa CT12 A, B, C (thông nhau) phải chứa đến hơn 6.400 xe máy. Đây là một con số rất lớn, vượt quá sức chứa của hầm là khoảng 4.000 xe.

Việc quá tải trầm trọng là khó tránh khỏi. Đặc biệt, riêng xe ôtô của cư dân chưa bao giờ được vinh hạnh lăn bánh vào hầm và phải để vào các bãi cạnh đó. Đó là lý do khiến gia đình anh Phạm Minh Đức, một cư dân ở đây rất muốn mua một chiếc ôtô che nắng che mưa đưa con nhỏ đi học nhưng cứ nấn ná mãi vì không có chỗ đậu xe. Mặc dù trước khi mua nhà, vợ chồng anh cứ đinh ninh ở chung cư ắt hẳn có hầm để đỗ, muốn mua xe cứ việc góp tiền. Nhưng nay đủ tiền lại không có chỗ để đỗ xe, giấc mơ “xế hộp” đành tạm gác cho đến khi tìm được nơi ở mới rộng rãi và nhiều tiện ích hơn.

Những con số này thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Với lượng người khổng lồ này, ai đảm bảo những cư dân ở đây khi có cháy sẽ không giẫm đạp lên nhau để thoát thân.

Không chỉ về mật độ dân số đông, tổ hợp chung cư HH và Kim Văn - Kim Lũ đều có một điểm chung ở các sảnh, cửa tòa nhà rất nhếch nhác, lộn xộn. Quán hàng bày bán, các điểm trông xe tự phát được dựng lên.

Trao đổi với Lao Động, một cán bộ Công an phường Đại Kim cho biết, trước việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh, mới đây, công an quận đã phối hợp với công an phường ra quân dọn dẹp, yêu cầu các chủ cơ sở, những chủ kinh doanh phải di chuyển. Trong trường hợp nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, liên quan đến hệ thống PCCC tại một số tòa nhà tại tổ hợp, mới đây nhất là vào ngày 13.4, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tiến hành kiểm tra đột xuất công tác PCCC tại chung cư HH4C Linh Đàm (Hà Nội). Theo cơ quan PCCC, bước đầu cho thấy các thiết bị PCCC hoạt động tốt.
Tuy nhiên vẫn có một số yếu tố chưa đảm bảo như nước chữa cháy yếu, tầng 23 một số cảm ứng khói không hoạt động… Họng nước cứu hỏa mất vòng sắt hay người dân tự ý đấu nối điện. Cùng với đó, cảm ứng khói không hoạt động và ghế sắt vướng lối thoát hiểm…



[Image: mat-bang-chung-cu-hh4-linh-dam2.jpg][Image: 31131248_1867623423256286_58664406908162...e=5B6A74F3]
Reply
#2
Khu trung tâm TP.HCM, Hà Nội đang nghẹt thở với cao ốc, chung cư 
[color=rgba(144, 144, 144, 0.75)]26/04/2018 09:13 GMT+7[/color]



TTO - Để bớt kẹt xe ở Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các đô thị không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm. Thực tế ra sao để Thủ tướng phải yêu cầu như vậy?

[Image: qdhadochungcunguyenvancong19a-2read-only...604958.jpg]
Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng chung cư ở các quận mới phát triển cũng là một hướng để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM. Trong ảnh: chung cư Hà Đô Nguyễn Văn Công trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghị quyết số 16 ngày 31-7-2008 của Chính phủ đưa ra yêu cầu "từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM", nhưng sau 10 năm trôi qua, nhiều nội dung của nghị quyết không được thực hiện, thậm chí còn... trái ngược nếu so với tình hình thực tế.

TP.HCM: không xây căn hộ ở khu trung tâm

Chị Khánh Quỳnh, ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1, cho rằng chủ trương ngưng xây chung cư cao tầng trong khu trung tâm là hợp lý. "Tôi đi từ phường Bến Nghé đến trụ sở UBND quận 1 mất gần 30 phút vì kẹt xe. Xe máy, xe hơi ngày càng đông trong khi đường không mở rộng ra được. TP nên dành quỹ đất ở trung tâm để làm thêm khu vui chơi, công viên cho trẻ em, xây thêm trường học, bệnh viện để tăng chất lượng cuộc sống của người dân", chị Quỳnh kiến nghị.

Tại TP.HCM, chủ trương hạn chế xây chung cư cao tầng trong các quận nội ô đã có từ nhiều năm trước với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và giãn dân. Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho biết chủ trương hạn chế xây chung cư cao tầng ở các quận nội thành cũ như 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình.


[Image: tong-the-vinhomes-golden-river-ba-son.jpg]

Gần đây, với quyết tâm chống ùn tắc giao thông, giảm áp lực lên hạ tầng ở khu trung tâm, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan liên quan sẽ không cho xây dựng cao ốc có chức năng ở trong khu trung tâm 930ha của TP.HCM. Điều này nhằm không phát sinh dân số và tìm giải pháp để khắc phục giao thông.

Theo ông Toàn, việc hạn chế xây dựng chung cư cao tầng ở các quận nội thành cũ, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng chung cư ở các quận mới phát triển cũng là một hướng để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM. Cùng với việc giãn dân, TP.HCM muốn phát triển các khu đô thị kế cận như Tây Bắc, Hiệp Phước, Tân Tạo... Bên cạnh đó cũng sẽ xây dựng các đường vành đai, giao thông công cộng... để rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm TP.HCM và các đô thị kế cận.

"Để thu hút các nhà đầu tư vào các đô thị kế cận, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt. Ví dụ như giảm tiền sử dụng đất cho các dự án có sử dụng đất ở các đô thị kế cận, chính sách thuế ưu đãi trong những năm đầu của dự án... Trong khi đó, Nhà nước sẽ tăng tiền sử dụng đất, tăng thuế ở khu vực nội ô, trung tâm TP.HCM. Như vậy, giá nhà ở các quận phát triển mới, ngoại thành sẽ rẻ hơn, thu hút người dân tập trung về ở", ông Toàn nhận định.

[Image: dji0025-2read-only-152470574329860299064.jpg]
Những tòa nhà chung cư ở quận 4 và quận 1, TP.HCM nằm hai bên bờ kênh Bến Nghé - Ảnh: THUẬN THẮNG

Hà Nội "phình to" bất thường

Theo yêu cầu của nghị quyết 16, Hà Nội "chỉ cho phép xây dựng các khu chung cư cao tầng hoặc các cơ sở dịch vụ nếu đảm bảo được diện tích để môtô, xe máy, ôtô theo quy định". Vậy nhưng khảo sát quanh khu vực Trung Hòa - Nhân Chính thuộc hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, thực trạng nhức nhối khi cả trăm tòa cao tầng đã và đang xây dựng nhưng không đáp ứng đủ bãi đỗ xe.

Cách đây 10 năm, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có khoảng 2.400 căn hộ, dân số trên 1 vạn người. Tuy nhiên đến nay, khu đô thị này đã bị "phình to" một cách bất thường. Thay vì chỉ gần 10 block nhà, toàn khu có trên 30 tòa cao ốc của hàng loạt dự án thuộc nhiều chủ đầu tư khác nhau cao từ hơn 10 tầng đến trên 30 tầng mới mọc lên và đưa vào sử dụng. Lượng dân sinh sống và làm việc tại khu này vì đó nhân thêm nhiều lần so với con số ban đầu.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trục trung tâm phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai khi rải dọc tuyến đường này có hàng loạt cao ốc, từ Grand Plaza, Eurowindow, Trung Yên Plaza, các tòa chung cư M1, 2, 3, 4, tháp Lotte... Cao ốc ồ ạt mọc lên dẫn tới không có đủ diện tích cho bãi đỗ, ôtô đậu tràn lan xung quanh tòa nhà, các đường giao thông nội bộ và tràn ra cả lòng đường, vỉa hè các trục giao thông chính.

Trung tâm nhất phải kể đến dự án Sun Grand City tại 69B Thụy Khuê (và mặt tiền phía sau là 48 Hoàng Hoa Thám) hiện đang xây sắp xong phần thô. Đây là dự án chỉ cách khu trung tâm chính trị Ba Đình - khu vực kiểm soát tuyệt đối về chiều cao, kiến trúc - một quãng không xa. Bị kẹp bởi hai tuyến đường rất chật chội và không có lối thoát là Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám, tổ hợp chung cư cao cấp này có quy mô gồm 2 tháp đôi (21 và 23 tầng) với tổng diện tích tới 15.000m2.

[Image: 0423-chung-cu-ben-van-don-tto-152470548838165575712.jpg]
Cao ốc chen cứng trên đường Bến Vân Đồn, TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Quote:
Thủ tướng: Không xây thêm nhà cao tầng khu trung tâm Hà Nội và TP.HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu xây dựng dự thảo nghị quyết về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM (thay thế nghị quyết số 16 của Chính phủ), trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-6.

Để chuẩn bị dự thảo nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu lưu ý các giải pháp không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hòa giao thông, quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phong trào tự quản... cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Quote:Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Cần đánh giá tác động giao thông khi duyệt dự án


Theo tôi, khi phê duyệt dự án, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu chủ đầu tư trình đánh giá tác động về giao thông. Trong đó phải trình bày các chỉ tiêu về số dân cư, xe, bãi đỗ xe, đường lưu thông nội bộ... Các đơn vị chuyên môn sẽ thẩm định phương án căn cứ trên tình hình thực tế và trên cơ sở đó phê duyệt.

Tùy vào tác động lên hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng, đơn vị quản lý sẽ phê duyệt cho dự án đó về chiều cao, số tầng, số tòa, diện tích xây dựng cụ thể.

* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):

Quy hoạch thành phố đa trung tâm


TP.HCM cần tập trung xây dựng các trung tâm ngoại vi trong quy hoạch thành phố đa trung tâm. Khâu thực hiện thời gian qua còn yếu nên không kích thích được người dân nội thành ra ở các khu trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh. Chỉ có thành phố đa trung tâm mới giải quyết được ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cần giãn dân để tính toán lại chiều cao, phân bổ hợp lý hơn cho khu vực nội thành. Khu nội thành vẫn phát triển nhưng "từ tốn" hơn, không bị phát triển "nóng", giảm áp lực, giữ gìn sự phát triển bền vững.

* TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Cần có tiện ích cho dân ở xa trung tâm


Để dân về các đô thị xa trung tâm sống mà không làm tăng cường độ giao thông thì phải bố trí chỗ ở và chỗ làm gần nhau, khu ở phải có những dịch vụ, tiện ích kèm theo và chỗ học, chỗ chơi để phục vụ người dân tại chỗ. Như vậy mới làm giảm nhu cầu tham gia giao thông của người dân, giải được bài toán ùn tắc.

Nếu đưa người ra các trung tâm đô thị mới thì phải làm giao thông đối ngoại từ trung tâm cũ ra, phải mở rộng một số tuyến đường để phục vụ cho giao thông con lắc hằng ngày từ trung tâm cũ đến trung tâm mới. 
Reply