Posts: 3,806
Threads: 527
Likes Received: 178 in 125 posts
Likes Given: 65
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Tại Bộ An ninh Nội địa, tôi thấy Trump nguy hiểm thế nào với Hoa Kỳ
Miles Taylor(*), ngày 17 tháng 8, 2020
Life Long Republican
Bài chính luận từ Washington Post: At Homeland Security, I saw firsthand how dangerous Trump is for America
(*) Miles Taylor phục vụ tại Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ từ 2017 đến 2019, đã từng giữ chức Chánh văn phòng.
Sau hơn 2 năm phục vụ trong cương vị lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump, tôi có thể chứng thực rằng các hành động trực tiếp từ cương vị tổng thống khiến quốc gia mất an toàn.
Cũng như nhiều người dân Hoa Kỳ khác, tôi đã hy vọng Donald Trump sẽ tỉnh táo chấp nhận trọng trách của chiếc ghế tổng thống một khi đã nhậm chức, - quan trọng nhất là trách nhiệm gìn giữ sự an toàn cho đất nước Hoa Kỳ. Nhưng ông đã không vượt qua thử thách này. Thay vào đó, tổng thống đã điều hành quốc gia một cách tùy ý, với các tính toán chính trị và lợi ích cá nhân.
Tôi không giữ vai trò đánh giá những khuyết điểm cá nhân của tổng thống đã gây ảnh hưởng thế nào đến các vấn đề quan trọng khác như môi trường hay chính sách năng lượng, nhưng khi bàn về an ninh nội địa, tôi đã tận mắt chứng kiến các hệ quả đáng sợ.
Tổng thống nỗ lực biến Bộ An ninh Nội địa, cơ quan thực thi pháp luật lớn nhất nước trở thành công cụ phục vụ lợi ích chính trị của ông. Ông lôi kéo sự tập trung toàn lực vào các vấn đề mà theo ông là quan trọng với chiến dịch tái tranh cử - chẳng hạn như xây dựng bức tường ở biên giới Hoa Kỳ với Mexico. Dù tổng thống thường được nhắc nhở để tránh những ý tưởng xấu vào thời điểm then chốt, ông luôn sẽ đưa ra các yêu cầu hiển nhiên có yếu tố chính trị cho Bộ An ninh Nội địa. Chẳng hạn như khi ông bảo chúng tôi đóng cửa biên giới giữa tiểu bang California và Mexico, thay vì đóng cửa dải biên giới của Texas hay Arizona, trong một cuộc gặp tại Văn phòng Tổng thống ngày 28-3-2019 -- điều đó sẽ tốt hơn cho uy tín chính trị cho ông, ông nói thế. Hoặc Trump sẽ "quăng" những di dân bất hợp pháp vào các thành phố và tiểu bang thuộc đảng Dân chủ để khiến họ bị áp lực quá tải, như kiểu ông ta đã nhiều lần nhấn mạnh.
Tính vô kỷ luật của Trump liên tục gây thất vọng. Hồi tháng 2-2019, khi các lãnh đạo Quốc hội đang chờ đợi câu trả lời từ Tòa Bạch Ốc về thỏa thuận để tránh đóng cửa chính phủ lần hai, tổng thống lại yêu cầu cuộc họp ngắn qua điện thoại với Bộ An ninh Nội địa chỉ để thảo luận màu sắc của bức tường. Ông đặc biệt quan tâm đến giá trị việc sử dụng sơn và cách sơn bao phủ hàng rào thép. Các tình huống như thế diễn ra gần như hàng tuần.
Tiến trình xem xét quyết sách tự nó đã bị bỏ qua: Trump sẽ đột ngột thông qua các đề xuất chính sách mà ông và các cố vấn không cân nhắc đến các tác động có thể xảy ra. Lấy ví dụ từ năm 2019 khi Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp thời ấy, bị sự thúc giục của Tòa Bạch Ốc phải tuyên bố chính sách “không khoan nhượng” để truy tố bất cứ ai dám vượt biên giới trái phép. Tuy nhiên các cơ quan vẫn chưa chuẩn bị để thi hành chính sách trên khiến cho các vụ giam giữ không được xử lý và trẻ em di dân bị chia cắt khỏi cha mẹ của mình.
Đáng kinh ngạc thay, sau khi hoạt động thiếu cân nhắc này bị buộc phải hoãn lại, tổng thống trong những tháng tiếp theo liên tục kêu gọi viên chức Bộ An ninh Nội địa khởi động lại nó và thi hành một chính sách có chủ đích hơn nhằm chia lìa những thành viên trong các gia đình di dân để người lớn sẽ không vượt qua biên giới Hoa Kỳ vì nỗi sợ mất con cái. Tổng thống lộ rõ cơn giận dữ khi sếp của tôi - Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa khi ấy nhiều lần từ chối thi hành lệnh trên.
Các lãnh đạo hàng đầu của Bộ thường xuyên bị đánh lạc hướng khỏi nhiệm vụ đối phó các mối đe dọa an ninh thực sự và phải đáp ứng các yêu cầu hành pháp không phù hợp và mơ hồ, cả ngày lẫn đêm. Vào buổi sáng, có thể là một yêu cầu ngưng các quỹ hỗ trợ cho đồng minh nước ngoài dù quỹ được Quốc hội chấp thuận, và vào ban đêm sẽ có yêu cầu mài giũa những thanh sắt của bức tường biên giới cho nhọn để gây tổn thương da thịt con người hơn (“Điều đó sẽ khiến chúng ta trả cái giá bao nhiêu?”). Trong khi đó, Trump rất ít quan tâm đến các vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm an ninh mạng, khủng bố nội địa và sự can thiệp nguy hiểm từ các nước khác vào vấn đề ở Hoa Kỳ.
Làm thế nào để quý vị có thể điều hành một tổ chức lớn trong điều kiện làm việc như trên? Câu trả lời là không thể. Tại Bộ, việc quản lý 250,000 nhân viên phải cam chịu vì những ngớ ngẩn thường xuyên này, khiến sự an toàn của người Mỹ bị đe dọa.
Tương tự, tổng thống đã hủy hoại an ninh Hoa Kỳ tại nước ngoài. Cựu cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton đưa ra dẫn chứng đầy thuyết phục trong cuốn sách mới của mình đến mức không còn gì để thêm vào, ngoài việc phải thừa nhận Bolton đã nhận xét đúng. Vì tổng tư lệnh đã làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ với quốc tế nên ngày nay quốc gia chúng ta có ít bạn hữu nhưng nhiều kẻ thù hơn kể từ lúc Trump nhậm chức.
Trump cũng đã gây nhiều tổn hại cho đất nước theo vô số cách không liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, mà bằng việc tạo ra thù hận và chia rẽ, khiến người dân Hoa Kỳ có cảm giác kém an toàn.
Cách tổng thống phản ứng trước đại dịch coronavirus là ví dụ cuối cùng. Bằng thái độ dửng dưng với mối đe dọa nghiêm trọng, Trump không tận dụng hiệu quả hệ thống phản ứng khủng hoảng được liên bang thiết kế từ sau sự kiện 11 tháng 9. Kế hoạch đối phó với đại dịch mà nhiều năm Bộ An ninh Nội địa lập ra đã phí hoài. Trong lúc đó, hơn 165,000 người dân Hoa Kỳ thiệt mạng.
Một điều hơi mỉa mai là Trump đang vận động cho nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là tổng thống đại diện Luật pháp và Trật tự. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông cực kỳ hỗn loạn. Không thể tưởng tượng ra viễn cảnh của bốn năm tới.
Chuyển ngữ: T. Nguyễn
Biên tập: Anonymous
![[Image: flag-of-america-smiley-emoticon.gif]](http://www.sherv.net/cm/emoticons/flags/flag-of-america-smiley-emoticon.gif)
Posts: 3,806
Threads: 527
Likes Received: 178 in 125 posts
Likes Given: 65
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Tổng Thống Trump tham dự mít tinh tại Sân bay Yuma ngày 18, tháng 8, tại Yuma, Arizona (Brendan Smialowski/AFP)
Bị thụt lùi đằng sau trong các cuộc thăm dò và cố gắng để tìm kiếm một thông điệp ứng cử, Tổng thống Trump đã lạm dụng đến một trong những quyền lực của Tổng Thống đương nhiệm - văn phòng Toà Bạch Ốc - để phục vụ cho việc tái tranh cử. Những hành vi này của ông đã bất chấp giới hạn giữa việc trị quốc và việc tranh cử, thử thách ranh giới pháp lý, những điều các vị tổng thống tiền nhiệm chưa từng làm.
Trong những tuần gần đây, Trump thừa nhận ông đã phản đối việc tài trợ cho Hệ thống Bưu chính Hoa Kỳ vì ông không muốn số tiền đó được dùng vào việc bỏ phiếu qua thư phổ thông. Ông đã gửi các nhân viên sở Nội An đến dẹp những cuộc biểu tình đòi bình đẳng xã hội ở những nơi ông gọi là “các thành phố của Đảng Dân chủ.” Ông ký một loạt các sắc lệnh qua mặt Quốc hội và có những tuyên bố sặc mùi đảng phái tại các sự kiện ở toà Bạch Ốc, gồm cả 54 phút độc thoại trong Vườn Hồng đả kích đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden vào tháng trước.
Trump cũng dùng cả các nguồn lực và nhân sự của quốc gia để tái tạo lại những náo nhiệt của các cuộc mít tinh vận động tranh cử đang bị hạn chế bởi đại dịch coronavirus. Ông mời cả những khách quen chơi gôn ở khu nghỉ dưỡng tư nhân của mình ở Bedminster, NJ đến dự họp báo ở đó, và nhiều người trong số họ đã chất vấn các phóng viên. Tuần qua ông tổ chức một buổi mít tinh vận động tranh cử ở Yuma, Arizona, với hơn 20 thành viên nghiệp đoàn Tuần tra biên giới ngoài nhiệm vụ, nhiều người mang khẩu trang dán các nhãn như “TRUMP” và “MAGA.”
Tổng thống Trump cho biết Bưu điện Hoa Kỳ không thể tạo điều kiện cho việc bỏ phiếu qua thư năm 2020 vì thiếu ngân sách mà ông đang ngăn chặn. (Video: JM Rieger/Photo: Jabin Botsford/ The Washington Post)
Tuần này, ông sửa soạn nhận vinh dự được tái đề cử trong đại hội Đảng Cộng hoà và sẽ đọc bài diễn văn chấp nhận tại Toà Bạch Ốc. Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ phát biểu tại Vườn Hồng, nơi bà vừa tân trang. Con gái Trump, Ivanka Trump, và Ja’Ron Smith, cả hai trợ lý toà Bạch Ốc, đều là những người sẽ phát biểu trong đại hội, và cả bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo, vi phạm truyền thống lâu đời là các nhà ngoại giao cao cấp phải tự cách mình trong việc chính trị đảng phái.
Tổng thống của cả hai đảng, gồm cả những người tiền nhiệm gần đây của Trump như Barack Obama và George W. Bush, cũng đã trộn lẫn phần nào việc tranh cử riêng tư với việc công ở toà Bạch Ốc, nhất là trong những năm bầu cử. Nhưng Trump đã đạp đổ những quy tắc từng được trân trọng bởi cả hai đảng và cũng thách thức ranh giới pháp lý nhằm hạn chế các hoạt động chính trị của các viên chức liên bang, các luật sư về đạo đức cho biết.
Ngoài vấn đề pháp lý, việc Trump đọc diễn văn từ Toà Bạch Ốc tuần này sẽ “gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến những người làm việc trong guồng máy liên bang rằng ở những vị trí cao, chính phủ sẽ phục vụ bạn,” ông Walter Shaub, Giám đốc Văn phòng đạo đức dưới thời Obama nói. “ Nó làm đảo lộn ý nghĩa của việc phục vụ quần chúng.”
Ông Shaub cũng vạch ra việc Trump quyết định không chuyển nhượng quyền quản lý các công ty bất động sản của mình khi trở thành tổng thống đã tạo nên một chính thể “tự xử.”
Ông nói, Trump “nói rõ ông không hề thấy sự khác biệt giữa chính phủ và chính cá nhân ông.”
Đảng Dân chủ đã từng lên tiếng chống đối việc Trump dùng Toà Bạch Ốc làm một bối cảnh chính trị công khai. Để trả lời cho những lục vấn của Quốc hội, Văn phòng luật sư đặc biệt đã tuyên bố trong một bức thư trong tháng này rằng Trump và Phó tổng thống Pence được miễn các quy định dân sự theo đạo luật Hatch (Hatch Act), cấm nhân viên chính phủ tham dự vào các hoạt động chính trị dưới mọi hình thức. Văn phòng này sau đó cũng lên tiếng nói rõ lại rằng họ chỉ nói đến những luật lệ không dính dáng đến phần hình sự của bộ luật.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Toà Bạch Ốc John Deere cho biết, “Tổng thống, giống như những người tiền nhiệm trước đây, có toàn quyền để nói chuyện với dân chúng về bất cứ chủ đề gì vào bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu.”
Trump bào chữa rằng việc ông chọn để phát biểu từ Toà Bạch Ốc là một cách tiết kiệm tiền thuế của dân. Đảng Cộng hoà đã định tổ chức ở Charlotte trước đây, nhưng cũng giống như Đảng Dân chủ, đã phải huỷ bỏ phần dành cho cử tri trong đại hội.
Dùng Toà Bạch Ốc, Trump cho là sẽ tiết kiệm được công quỹ vì vấn đề bảo vệ an ninh sẽ được dễ dàng hơn, dù trên thực tế hầu hết các chi phí sinh ra cho một đại hội ở chỗ khác có lẽ sẽ được văn phòng tranh cử của ông hay Uỷ ban quốc gia Cộng hoà thanh toán.
Tổng thống cho biết ông cũng cân nhắc việc phát biểu từ địa điểm lịch sử ở Gettysburgh, PA, nhưng ông nói với tờ New York Post tuần rồi là ông chọn Toà Bạch Ốc bởi vì ở đó “sẽ làm tôi thoải mái. Sẽ làm cho cả nước thoải mái.”
Trump đã biến nhiều nhận xét của ông tại các sự kiện công cộng thành những cuộc tấn công chính trị. Hôm thứ Sáu, ông đã tấn công liên tục vào Biden trong một phát biểu dài trước Hội đồng chính sách quốc gia bảo thủ.
“Tôi là người duy nhất đứng giữa giấc mơ Mỹ và tình trạng vô chính phủ, điên cuồng và hỗn loạn,” Trump tuyên bố. Một nhân viên Toà Bạch Ốc nói tổng thống của cả hai đảng đều thường vạch ra những khác biệt giữa mình với phe đối lập, nhất là trong năm bầu cử.
Các nhà phê bình đưa ra bằng chứng Trump sẵn sàng trộn lẫn lợi ích cá nhân và việc công như việc ông tự ý sử dụng các khu nghỉ dưỡng tư nhân của mình cho các cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo nước ngoài và các việc của chính phủ, việc ông bổ nhiệm Ivanka Trump và con rể Jared Kushner làm cố vấn cấp cao của Tòa Bạch Ốc, và việc ông sử dụng tài khoản Twitter cá nhân để tấn công các đối thủ và công bố chính sách của mình.
“Cách ông hành xử mọi lúc mọi nơi cũng giống kiểu ông ấy sử dụng Twitter,” Simon Rosenberg, người sáng lập tổ chức cấp tiến NDN phát biểu về việc ông nhập nhằng chính trị cá nhân." Đây là điều cấm kỵ trong các chính phái của Mỹ trước đây.
Trong một tweet vào tuần trước, Trump đã kêu gọi tẩy chay Goodyear về quyết định của công ty cấm nhân viên dánh nhãn chính trị trong công việc, bao gồm cả mũ "MAGA". Sau đó, ông cho biết sẽ ủng hộ việc tháo bánh xe Goodyear khỏi xe limousine của tổng thống, khiến một phóng viên đặt câu hỏi không biết ông đang đưa ra tuyên bố chính trị cá nhân, hay chỉ đạo chính sách của chính phủ.
Phát ngôn viện Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany cho biết Goodyear đang áp dụng tiêu chuẩn kép bằng cách cho phép các biểu hiệu ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Cô cho rằng khẩu hiệu MAGA của Trump đã trở thành đồng nghĩa với sự ủng hộ "mạng sống xanh" dành cho các cơ quan công lực.
McEnany nói tại Tòa Bạch Ốc: “Tôi phải nhấn mạnh rằng ‘vấn đề mạng sống xanh’ là một vấn đề công bằng, và Goodyear cần phải thừa nhận điều đó”.
Các nhà sử học đã so sánh hành động của Trump tương đương với những kẻ chuyên quyền, những người tập trung vào việc duy trì quyền lực và làm giàu cho bản thân. Tác giả Ruth Ben-Ghiat, người đã viết về những nhà độc tài, cho biết Trump đã “làm soi mòn các thông lệ dân chủ” và “khiến người Mỹ khó thực hiện quyền của họ, đó là cuộc chiến của ông ấy về bỏ phiếu qua đường Bưu chính. ”
Cuộc tấn công của Trump vào Goodyear, bà nói thêm, là cố tình “đàn áp kẻ thù và bịt miệng tất cả đối thủ tranh cử của ông”.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình, Trump đã đạp đổ thông lệ lâu đời được tôn trọng của bầu cử trong một thể chế dân chủ, có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, theo các thành viên của cả hai đảng.
Một báo cáo chi tiết và đầy đủ từ Ủy ban Tình báo Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo được công bố vào tuần trước đã mô tả chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông đã bị phản gián Nga lợi dụng, qua nhiều cuộc tiếp xúc với Nga, trong khi mong muốn khai thác sự hỗ trợ từ Điện Kremlin.
Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo đã luận tội Trump trong năm qua vì một cuộc điện thoại riêng của ông vào tháng 7 năm 2019, trong đó ông đã dùng viện trợ của Quốc Hội, gây sức ép với nhà lãnh đạo Ukraine để mở một cuộc điều tra về Biden và con trai ông Hunter, nhằm bôi nhọ ông Biden.
"Chính quyền này đã chứng tỏ họ sẵn sàng phá hủy nền dân chủ của chúng ta nếu đó là điều cần thiết để giành chiến thắng", Obama cảnh báo gay gắt về cách ông Trump lợi dụng chức vụ tổng thống, trong Hội nghị Quốc gia của Đảng Dân chủ vào tuần trước.
Khi Biden dẫn đầu trong cuộc khảo sát toàn quốc, Trump đã kích động một cuộc chiến văn hóa, tận dụng các cuộc biểu tình đấu tranh dân quyền ở các thành phố. Trong một lễ kỷ niệm ngày 4 tháng 7 tại Tòa Bạch Ốc, tổng thống đã chỉ trích "cánh tả cực đoan, những người theo chủ nghĩa Mác Xít, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, những kẻ kích động" trong một bài phát biểu mang nặng tính đảng phái trong khung viên của Tòa Bạch Ốc.
Kể từ đó, chính quyền của Trump đã cử các lực lượng an ninh liên bang - bao gồm một bộ phận của cảnh sát Tuần tra Biên giới và cảnh sát mật từ Bộ An ninh Nội địa - đến Portland, Seattle, và các thành phố khác để trấn áp các cuộc biểu tình và bắt giữ các đối tượng. Trump đã đổ lỗi cho các thị trưởng và thống đốc đảng Dân chủ vì đã không dập tắt được các cuộc biểu tình hầu hết là ôn hòa, mặc dù chỉ có một số ít bạo lực, ăn cắp, và đốt phá.
Tuần trước, Trump một lần nữa nhắm vào đối thủ chính trị - California. Ông đe dọa sẽ giữ lại viện trợ cháy rừng cho tiểu bang vì các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ không tuân theo lời khuyên của ông để "quét sạch rừng của họ" dọn lá cây và các vụn vặt khác mặc dù phần lớn diện tích rừng thuộc về chính phủ liên bang.
“Có lẽ chúng tôi sẽ buộc họ phải trả giá vì họ không lắng nghe chúng tôi,” ông nói trong một sự kiện ở Pennsylvania.
Tại Yuma, Trump đã tổ chức một cuộc biểu tình bên trong một nhà chứa máy bay với 200 thành viên công đoàn của Hội Tuần tra Biên giới Quốc gia và hàng trăm thành viên gia đình. Chủ tịch công đoàn, Brandon Judd, một đồng minh của Trump và là khách mời thường xuyên của Fox News, đã khởi động đám đông bằng cách lặp lại những lời cảnh báo của Trump về “tình trạng vô luật pháp sẽ xảy ra” nếu Biden đắc cử.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã có cảm tình,” Trump nói với Judd, nói rằng Lực lượng Tuần tra Biên giới là “những người bạn tuyệt vời của tôi”.
Tuần trước, Trump đã đưa ra ý kiến cử các cơ quan công lực giám sát các địa điểm bỏ phiếu, gây ra báo động rằng động thái này nhằm lặp lại các chiến thuật được sử dụng trước đây để đe dọa các cử tri da màu.
Ông Miles Taylor, người từng là chánh văn phòng của cựu bộ trưởng DHS Kirstjen Nielsen, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Trump đã coi cơ quan 250.000 người này là “một chỗ dựa chính trị”. Ông nhớ lại chuyến công du cùng Trump tới biên giới Texas và Mexico trong thời gian đóng cửa biên giới vào tháng 1 năm 2019 khi tổng thống nói với các phụ tá rằng ông muốn sự kiện này xảy ra. Ông chụp hình với các xe tuần tra của cảnh sát biên giới và các gói ma tuý bị thu giữ, để trông giống như "hình ảnh của Hollywood. ”
Tinh thần ở các bộ phận của DHS bị suy nhược vì “ họ nghĩ rằng công việc của họ là ngăn chặn một vụ 9/11 khác, chứ không phải để bầu lại tổng thống, ”Taylor, người gần đây đã ủng hộ Biden sau khi rời chính quyền Trump vào năm ngoái.
Hội Tuần tra Biên giới Quốc gia chưa bao giờ ủng hộ ứng cử viên tổng thống nào trước khi ủng hộ Trump vào năm 2016, Judd nói. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ gợi ý rằng mối quan hệ chính trị chặt chẽ của công đoàn với Trump có thể làm thay đổi nhận thức của công chúng rằng , cảnh sát biên giới sẽ không thực thi các chính sách của chính quyền Biden.
“Chúng tôi đã thi hành nhiệm vụ ở cấp cao nhất dưới thời Obama,” Judd nói.
Lawrence Noble, cựu tổng cố vấn của Ủy ban Bầu cử Liên bang cho biết: “Các công đoàn cần giữ tư cách trung lập trong chính trị. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi một cơ quan công lực ủng hộ một ứng cử viên một cách mạnh mẽ và phán đoán ứng cử viên nào tốt hơn. Họ đang ở tuyến đầu và bạn sẽ cảm thấy lo sợ khi phải chạm trán với một cơ quan công lực bị ảnh hưởng chính trị. Và nếu họ cũng đang bị lạm dụng để đàn áp các cuộc biểu tình chống lại tổng thống, thì điều đó thực sự có vấn đề. "
Người dịch: Minhly Dang, L. Ta
Biên tập: Khanh Le
Posts: 3,806
Threads: 527
Likes Received: 178 in 125 posts
Likes Given: 65
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Các cựu lập pháp viên Đảng Cộng hoà
ủng hộ Biden trong ngày khai mạc Hội nghị Toàn quốc
Translated from a Reuters article: Republican ex-lawmakers back Biden on first day of Trump convention
Ngày 24 tháng 8, 2020
Cựu Thượng Nghị Sĩ Jeff Flake (R-AZ) đi ngang qua Ohio Clock Corridor ở Thượng Viện Hoa Kỳ khi phiên tòa luận tội tổng thống Donald Trump đang diễn ra tại Capitol Hill ở Washington, Hoa Kỳ ngày 21 tháng 1, năm 2020. REUTERS/ Tom Brenner
Washington (Reuters) - Hơn 24 nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hoà trước đây, bao gồm cựu Thượng Nghị sĩ Jeff Flake, đã ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tranh cử tổng thống vào thứ Hai 24 tháng 8, ngày đầu tiên của Hội nghị Toàn quốc Đảng Cộng hoà. Đây là lần gần nhất những thành viên cùng đảng phản đối Tổng thống Donald Trump.
Đội ngũ tranh cử của Biden cho biết: có 27 cựu thành viên Quốc hội đã tham gia phong trào “Đảng viên Cộng hoà chọn Biden” do họ tổ chức nhằm khuyến khích sự ủng hộ của đảng Cộng hoà dành cho Đảng Dân chủ. Được biết, lý do của việc ủng hộ này là vì thói tham nhũng, hành động phá hoại nền dân chủ, sự coi thường đạo đức trắng trợn của ông Trump và nhu cầu cấp bách để đưa nước Mỹ trở lại như xưa.
Ông Flake, người phản đối Trump và từng dẫn đầu các thành viên Đảng Cộng hoà tại Arizona rút khỏi Thượng Viện vào năm 2018, cũng có cuộc nói chuyện cùng ngày với các phóng viên về quyết định ủng hộ Biden của mình.
Các cựu lập pháp viên này chỉ đại diện cho nhóm Đảng viên Cộng hòa mới nhất ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân Chủ tranh cử với Trump vào ngày 3 tháng 11 sắp tới. Điều này cho thấy Tổng thống Trump đã khiến chính các thành viên cùng đảng quay lưng với mình.
Vào tuần trước, 73 cựu quan chức an ninh quốc gia thuộc Đảng Cộng hoà, bao gồm cựu giám đốc của FBI và CIA, đã ủng hộ Biden và buộc tội Trump tham nhũng, không thích hợp làm tổng thống.
Nhóm người này phản đối việc Trump xa lánh đồng minh nước ngoài và cách lãnh đạo nước nhà của ông ấy, thể hiện qua cách ông đối phó với đại dịch corona đã lấy đi mạng sống của hơn 176,000 người dân Mỹ (số liệu từ Reuters) và dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng.
Chiến dịch của Trump đã gọi các nhóm thuộc đảng Cộng hoà ủng hộ Biden, cụ thể có Cử tri Cộng hòa chống Trump (Republicans Voters Against Trump) và 43 Cựu Quan chức ủng hộ Biden (43 Alumni for Biden) gồm hàng trăm viên chức từng làm việc dưới thời George W. Bush, là “vũng lầy” và buộc tội các cựu quan chức bất mãn “cố gắng hạ bệ tổng thống đường đường chính chính của Hoa Kỳ.”
Người dịch: Chloe Doan
Biên tập: M. K. Tran
The-Interpreter
Posts: 3,806
Threads: 527
Likes Received: 178 in 125 posts
Likes Given: 65
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Lập bộ phận ứng chiến về mặt pháp lý,
Biden sẵn sàng cho cuộc chiến giành phiếu bầu
Translated from The New York Times Article “Biden Creates Legal War Room, Preparing for a Big Fight Over Voting”
Với sự có mặt của hai cựu Tổng biện lý sự vụ và hàng trăm luật sư, chiến dịch của ông Biden đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tranh chấp pháp lý dài lâu cũng như nuôi hy vọng giữ gìn sự tín nhiệm xuyên suốt quá trình bầu cử.
Shane Goldmacher, 14 tháng 9, 2020
![[Image: 24d15c_850efec870b34b99bd521c962b6110ed~mv2.webp]](https://static.wixstatic.com/media/24d15c_850efec870b34b99bd521c962b6110ed~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_494,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/24d15c_850efec870b34b99bd521c962b6110ed~mv2.webp)
Các cố vấn của ông Joseph R.Biden Jr nói rằng họ đang cố gắng để đáp trả lại một cách khéo léo mà không tiếp tay cho những phát ngôn thiếu căn cứ của Tổng thống Trump về thuyết gian lận bầu cử hay thao túng phiếu bầu. Amr Alfiky/ The New York Times.
Chiến dịch của Joseph R.Biden.Jr đang thành lập một bộ phận chuyên về pháp lý mới, chiêu mộ hai cựu Tổng biện lý sự vụ cùng hàng trăm luật sư nhằm lập ra chương trình bảo vệ bầu cử được coi là lớn nhất trong lịch sử tranh cử tổng thống.
Cuộc chiến pháp lý đã và đang diễn ra dữ dội, về cách mọi người sẽ bỏ lá phiếu của mình - và cách tính phiếu hợp lệ - vào mùa thu tới đây, trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra. Các quan chức cấp cao của ông Biden cũng miêu tả đây là hành động cần thiết để bảo vệ tính trung thực và vẹn toàn của cuộc bầu cử đang bị đe dọa bởi những cáo buộc vô căn cứ về việc gian lận phổ biến của Tổng thống Trump.
Đội ngũ tác nghiệp mới này sẽ được chỉ đạo bởi Dana Remus, người nắm chức vụ cố vấn tổng quát trong chiến dịch 2020 cho ông Biden, và Bob Bauer, cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời ông Obama, vừa gia nhập chiến dịch của Biden vào hè vừa qua với tư cách cố vấn cấp cao toàn thời gian.
Chiến dịch của Biden đang lập ra một đơn vị “tố tụng đặc biệt”, dẫn đầu bởi hai cựu Tổng biện lý sự vụ Donald B.Verrilli Jr. và Walter Dellinger. Hàng trăm luật sư cũng sẽ có mặt, bao gồm một nhóm dẫn đầu bởi Marc Elias, thuộc công ty Luật Dân chủ Perkins Coie, tập trung vào cuộc chiến về quy tắc bỏ phiếu và kiểm phiếu ở từng bang. Eric H.Holder Jr., cựu Tổng chưởng lý dưới thời Obama, đóng vai trò người trung gian giữa chiến dịch và các nhóm độc lập liên đới trong cuộc chiến pháp lý về bầu cử vốn đã và đang “nóng” tại tòa.
“Chúng tôi có thể và sẽ giữ cho cuộc bầu cử mùa thu này tự do và công bằng để có thể tin tưởng vào kết quả,” trích lời bà Remus trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Bauer, người nắm vai trò cố vấn tổng quát trong cả hai chiến dịch tranh cử của ông Obama, nói rằng bước đi này sẽ “phức tạp và đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn” những gì đã làm trong quá khứ.
Cả bà Remus và ông Bauer đều vạch ra một chương trình đa chiều, bao gồm một số yếu tố đã quen thuộc trong các chiến dịch tranh cử đã qua như cách chống lại sự đàn áp cử tri và đảm bảo người dân hiểu cách thức bỏ phiếu, song song với đó là một số yếu tố độc nhất trong bối cảnh 2020, như là quản lý bầu cử trong ảnh hưởng của đại dịch hay ngăn cản các thế lực nước ngoài can thiệp chống phá.
Ông Bauer phát biểu: “Có một vài thách thức đặc biệt vào năm nay.”
Trong bối cảnh các tiểu bang chạy đua để mở rộng khả năng bầu cử qua thư do tác động của coronavirus, tiến trình bầu cử đang trở nên phức tạp. Cùng lúc đó, ông Trump liên tục lặp đi lặp lại các cáo buộc sai lệch rằng việc bỏ phiếu kiểu này sẽ đầy gian lận, dù cho trước đây chính bản thân tổng thống cũng đã từng bỏ phiếu qua thư và thậm chí cả Đảng Cộng hòa phía ông cũng cổ vũ cử tri bỏ phiếu bằng cách này. Ông Trump thậm chí trong tháng này còn đi quá giới hạn bằng cách đề xuất cử tri ủng hộ ông thử gây áp lực lên hệ thống bầu cử ở North Carolina bằng cách bỏ phiếu hai lần - một hành vi trái pháp luật.
Ông Trump đã sử dụng chiêu bài cáo buộc thiếu cơ sở về gian lận bầu cử trong nhiều năm. Ông nghi ngờ lá phiếu của những người đã mất góp phần cho ông Obama tái đắc cử năm 2012. Ông đổ lỗi cho việc ông mất phiếu bầu ở New Hampshire năm 2016 là do có thêm cử tri bất hợp pháp được chở từ ngoài bang vào. Uỷ ban bỏ phiếu toàn vẹn của Nhà Trắng lập ra dưới thời Trump đã tan rã năm 2018 mà không tìm được bất cứ bằng chứng nào cho thấy việc gian lận phiếu bầu diện rộng.
Khi việc mở rộng bầu cử qua thư diễn ra trong năm nay, ông Trump đã tìm cách gieo nghi hoặc về tính hợp pháp của nó, cố viện ra những khác biệt yếu ớt giữa bỏ phiếu phổ thông qua bưu điện và những quy định pháp lý hạn chế việc bỏ phiếu vắng mặt, chỉ cho phép các trường hợp không thể tự đi bầu bất khả kháng.
“Gian lận sẽ có ở khắp mọi nơi. Theo ý kiến của tôi, đây sẽ là cuộc bầu cử thối nát nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và chúng ta không thể để điều này diễn ra,” ông Trump tuyên bố mà không có bất cứ bằng chứng nào vào tháng 6 vừa qua.
Các nhân viên của ông Biden cho biết họ đang cố gắng đáp trả những luận điệu vô căn cứ của ông Trump một cách tinh tế và cân bằng để không góp phần lan truyền chúng.
Ông Bauer phát biểu: “Phần lớn những gì Trump và đồng minh của ông ta sẽ làm đó chính là khuếch đại viễn cảnh thảm họa. Chúng tôi sẽ không để mình bị rối vì những luận điệu cảnh báo đang được dùng để làm cử tri sợ hãi đó.”
“Việc liên tục quay lại vấn đề gian lận bầu cử chính là một công cụ gây áp lực lên cử tri,” ông cho biết thêm.
Việc ông Trump đề cập đến gian lận bầu cử đã thổi bùng lên làn sóng chỉ trích trong nội bộ Đảng Cộng hòa tuần qua, khi mà Benjamin L. Ginsberg, một trong những luật sư bầu cử hàng đầu của đảng này trong nhiều thập niên, đã viết một bài báo gay gắt trên Washington Post.
![[Image: 24d15c_3c7c7b609c8f4b47a62547d1b1117f6d~mv2.webp]](https://static.wixstatic.com/media/24d15c_3c7c7b609c8f4b47a62547d1b1117f6d~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_497,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/24d15c_3c7c7b609c8f4b47a62547d1b1117f6d~mv2.webp)
Một nhân viên bầu cử đang kiểm tra lá phiếu tại tiểu bang Washington hè này. Bầu cử qua thư, vốn phổ biến ở Washington, đã tăng mạnh ở các bang khác vì đại dịch. Lindsey Wasson/Reuters.
Ông Ginsberg viết: “Luận điệu của ngài Tổng thống đã đẩy đảng chúng tôi vào vị thế vừa ăn cướp vừa la làng. Việc ví cuộc bầu cử là “gian lận” và kết quả “bị thao túng” khi hầu như không có một bằng chứng cụ thể nào là đi ngược lại với quy tắc của đảng “pháp quyền”.”
Mandi Merritt, nữ phát ngôn viên cho Uỷ ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa tố Đảng Dân chủ (R.N.C.) muốn “biến cuộc bầu cử trở nên mất kiểm soát bằng cách bầu qua thư” mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Bà phát biểu: “Đảng Cộng hòa luôn ủng hộ biện pháp bỏ phiếu vắng mặt với các biện pháp bảo vệ tại chỗ và mong muốn mỗi một lá phiếu hợp lệ đều được tính để cuộc bầu cử của chúng ta sẽ được tư do, công bằng, và minh bạch. Thứ chúng tôi phản đối ở đây là việc thử nghiệm bỏ phiếu qua bưu điện trên khắp cả nước một cách bắt buộc và gấp rút, khiến quy trình bảo vệ bị loại bỏ, rồi trở thành miếng mồi ngon cho gian lận và làm suy yếu tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.”
R.N.C. cho biết họ đang chống lại các nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm nới lỏng các yêu cầu khớp chữ ký đối với các lá phiếu vắng mặt, loại bỏ các yêu cầu về nhân chứng và cho phép các bên thứ ba thu thập và nộp phiếu vắng mặt, một quy trình mà đảng Cộng hòa tố là “thu hoạch phiếu bầu.”
Bà Merritt nói: “Có một sự khác biệt rõ rệt giữa những gì Đảng Dân chủ đang cố gắng thúc đẩy và quy trình thông thường khi yêu cầu một phiếu bầu vắng mặt.”
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Đảng Cộng hòa có thể tổ chức các chiến dịch chống gian lận bầu cử mà không cần tòa án chấp thuận trước. Tòa án đã từng áp lệnh cấm lên các hoạt động lừa đảo cử tri kể từ đầu những năm 1980 sau khi phát hiện nhiều trường hợp đảng này loại trừ các cử tri thiểu số dưới danh nghĩa ngăn chặn gian lận.
Chính phủ và chính quyền tiểu bang quản lý các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, còn chiến dịch Biden muốn dõi theo chặt chẽ các hành động của chính phủ liên bang dưới thời ông Trump. Đảng Dân chủ tại Quốc hội đang điều tra các thay đổi của Dịch vụ Bưu điện do Louis DeJoy, mạnh thường quân đảng Cộng hòa được bổ nhiệm làm tổng giám đốc bưu điện năm nay, có thể ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu bằng thư như thế nào.
Ông DeJoy nói với Quốc hội vào tháng trước: “Tôi không hề tham gia vào việc phá hoại cuộc bầu cử.”
Ông Bauer bày tỏ, đúng là mọi chính quyền đương nhiệm đều sử dụng chính phủ để khoe khoang thành tựu của mình, vẫn có những lo ngại âm ỉ về cách ông Trump đang tận dụng quyền lực của chính phủ liên bang cho mục đích chính trị bản thân. Chẳng hạn, vị tổng thống này đã tổ chức bài phát biểu đại hội của mình trên bãi cỏ của Nhà Trắng - "Chúng tôi ở đây, còn họ thì không", ông tuyên bố - mặc dù lịch sử cho thấy những người tiền nhiệm đã kiềm chế việc sử dụng biểu tượng tổng thống cho mục đích chính trị.
Bauer nhận xét: “Quy mô chuyển đổi chính phủ liên bang thành một phần của chiến dịch chính trị của ông Trump thực sự đáng chú ý. Nó thật kinh khủng và làm dấy lên một loạt các câu hỏi về cả phá vỡ các quy chuẩn cũng như xóa bỏ các nguyên tắc.”
Tại các chiến trường quan trọng, đang có các cuộc chiến pháp lý diễn ra. Như tại Florida, phán quyết phúc thẩm hôm thứ Sáu 11/9 tuyên bố công dân bang này có tiền án tiền sự sẽ phải trả tiền phạt và chi phí trước khi được bỏ phiếu, và ở Wisconsin, nơi Tòa án Tối cao hôm thứ Hai 14/9 ra phán quyết thành viên Đảng Xanh (Green Party) không thể xuất hiện trên danh sách bầu cử tổng thống. Có thể ông Biden sẽ được hưởng lợi từ điều này.
Các quan chức của ông Biden cho biết có hàng ngàn luật sư và tình nguyện viên đang nỗ lực bảo vệ cử tri ở các mức độ khác nhau. Bà Remus cho biết thêm bên truyền thông của chiến dịch Biden sẽ cổ vũ cử tri yêu cầu phiếu bầu sớm, lên kế hoạch bầu và nộp sớm nhất có thể.
Bà tóm gọn thông điệp: “Lần này hãy làm mọi thứ thật sớm.”
Người dịch: Duong Nguyen
Biên tập: K. Tran
The Interpreter
|